Nguyễn Nhật Ánh - Những cấm kỵ tuổi thơ

Hồi tôi còn nhỏ, tuổi thơ tôi như bất cứ đứa trẻ nông
thôn nào khác, chỉ có chơi u, chơi cướp cờ, chơi bắn bi,
chơi đánh trận giả... Những trò chơi đó hấp dẫn thì hấp
dẫn thật nhưng không khiến trẻ con chơi từ giờ này qua giờ
khác như các trò game online nên các bậc phụ huynh không phải lo
lắng hay cấm đoán.


<strong>1. Trẻ con bao giờ cũng bị cấm đoán.</strong>

Trẻ con bây giờ thường bị ba mẹ cấm chơi game sa đà, cấm
đi chơi về khuya.<br > Ở thôn quê, ba mẹ không sợ con cái đi
chơi khuya, vì cùng lắm con nít chỉ chơi lòng vòng trong sân nhà
hàng xóm. Thậm chí ngủ lại nhà bạn cũng là chuyện bình
thường, miễn là xin phép trước. Hồi đó gọi là "ngủ
lang".



<strong> 2. Chúng tôi chỉ bị cấm tắm sông tắm suối, vì sợ
chết đuối.</strong>

Chúng tôi cũng bị cấm trèo cây, sợ té ngã gãy tay gãy chân,
ghê nhất là... gãy cổ. "Mày nghịch vừa thôi chứ, té gãy
cổ bây giờ!" là câu răn đe cửa miệng của người lớn

Dĩ nhiên, thời nào cũng vậy cái gì càng bị cấm thì trẻ con
cố lén lút làm cho bằng được. Các gia đình thời đó lại
đông con, các bậc phụ huynh chỉ ban lệnh cấm, trên thực tế
không sao quản lý xuể. Nhà nào cũng bảy, tám đứa con, có nhà
mười mấy đứa, canh đứa này thì sểnh đứa kia, chăn con
vất vả chẳng khác gì chăn vịt bầy.<br > Vì vậy mà bọn
trẻ chúng tôi thường trốn ba mẹ kéo nhau ra sông ra suối,
trèo cây hái trái và sục sạo các tổ chim. Bạn bè tôi chưa
đứa nào gãy cổ, chỉ có tôi suýt chết đuối và thằng Thời
gãy tay do ngã từ cây xoài xuống. Ba mẹ tôi và ba mẹ thằng
Thời lập tức ca cẩm: "Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha
mẹ trăm đường con hư".



<center><img
src="http://images.motthegioi.vn/uploaded/hoachopmua/ngay%204%20thang%201/tro-choi-tuoi-tho-hinh-anh_2_oyuu.jpg?width=550"></center>



<strong>3. Cũng có những lệnh cấm có lẽ trẻ con bây giờ
cảm thấy kỳ cục.</strong>

Chẳng hạn bọn tôi hồi nhỏ bị cấm ăn chân gà. Lý do: Đứa
nào ăn chân gà tay sẽ run, chữ viết quều quào, lên bờ xuống
ruộng. Đến bây giờ, tôi chẳng biết cấm kỵ đó có từ khi
nào và do ai nghĩ ra đầu tiên. Có thể do thành ngữ "chữ
xấu như gà bới" mà người lớn không cho con nít ăn chân gà
chăng?

Thứ hai là cấm con trai vào bếp. "Bếp núc là chỗ của đàn
bà con gái, con trai mà luẩn quẩn trong bếp học sẽ không ra
chữ". Lệnh cấm này rõ ràng mang màu sắc phong kiến, chắc
còn sót lại từ thời các nho sinh dùi mài kinh sử ra kinh ứng
thí. Sự cấm kỵ này dĩ nhiên cũng bị bọn nhóc tì chúng tôi
vi phạm thường xuyên. Cấm ăn chân gà thì không sao, vì chân
gà xét ra cũng không lấy gì làm ngon. Nhưng nhà bếp với các
tủ chạn, nồi niêu xoong chảo chứa thức ăn là nơi quyến rũ
nhất trong nhà, cấm léng phéng vô đó làm sao trẻ con có thể
ăn vụng được.

Thứ ba là con trai không được đi ngang dưới dây phơi đồ,
đặc biệt khi trên dây phơi đang toòng teng quần áo của phụ
nữ. "Cháu không được chui qua chui lại dưới dây phơi đồ.
Con trai chui dưới dây phơi đồ thế nào cũng... ngu", bà tôi
dặn tôi không chỉ một lần.

Tôi sợ ngu. Tôi sợ học dốt. Học dốt sẽ bị bọn con gái
coi thường. Con Phương hàng xóm sẽ không chơi đồ hàng với
tôi nữa. Con Mai ngồi cùng bàn sẽ không cho tôi ăn chung cà rem
vào giờ ra chơi. Bụng bảo dạ như thế nhưng nhiều lúc mải
chạy nhảy chơi đùa, tôi quên béng nhìn lên trời, chui qua chui
lại dưới dây phơi cả chục lần mới phát hiện ra. Dây phơi
ở thôn quê thường giăng ngang sân, nối từ cột nhà đến
gốc mít, gốc ổi, chơi đùa ngoài sân thế nào cũng có lúc
chui qua, đố đứa nào tránh khỏi.

<center><img
src="http://images.motthegioi.vn/uploaded/hoachopmua/ngay%204%20thang%201/tro-choi-tuoi-tho-hinh-anh_1_fytv.jpg?width=560"></center>

Những lúc lỡ phạm điều cấm kỵ, tôi lo lắng lắm. Hôm nào
không thuộc bài hoặc làm bài tập không được, tôi lại tin
là do tôi không làm theo lời dặn dò của bà tôi.



<strong>4. Khi lớn lên, ngồi nhậu với bạn bè, thỉnh thoảng
tôi cũng gặm chân gà. </strong>

Và lần nào tôi cũng nhớ lại điều cấm kỵ thuở xưa. Từ
khi có gia đình, tôi cũng thường xuyên vào bếp phụ vợ, không
chỉ nấu cơm, luộc trứng mà còn rửa cả chén bát. Lúc trời
chuyển mưa, lại ba chân bốn cẳng chạy ra dây phơi rút quần
áo, không chắc mình có chui dưới sợi dây hay không. Nhưng dù
có, chắc chắn tôi cũng không thấy mình ngu đi. Tôi chỉ thấy
buồn cười. <br > Hồi nhỏ, trời vừa lắc rắc vài hạt mưa,
mẹ tôi đang bận tay thế nào cũng sai tôi ra dây phơi lấy
quần áo, luôn kèm theo lời dặn y hệt bà tôi "Coi chừng kẻo
rúc dưới dây phơi đồ đó con". Thế là tôi phải vừa nhón
chân kéo từng cái quần cái áo, vừa cẩn thận nhớn nhác dòm
chừng sợi dây, đến khi đem được quần áo vô nhà, mọi thứ
đều ướt sũng.



Dù sao, những cấm kỵ tuổi thơ tuy kỳ cục, phảng phất màu
sắc mê tín, nhưng cụ thể - để ý một chút là tránh được
dễ dàng. Nhiều lúc tôi lẩn thẩn nghĩ. Khi đã là người
lớn, con người ta phải đối diện với bao cấm kỵ vô hình,
có ngước mắt lên trời suốt ngày cũng chả biết sợi dây
nằm ở chỗ nào để tránh.

Hèn gì ngày càng có nhiều người... xin vé đi tuổi thơ!



<strong>Nguyễn Nhật Ánh</strong>

<em>(Sài Gòn giải phóng)</em>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20150104/nguyen-nhat-anh-nhung-cam-ky-tuoi-tho),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét