Chiến Thắng - "Đảng không thể làm thay chính quyền!"

<div class="boxright320"><img
src="http://www.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/124101/4e24c_ong_huong.jpg"
/><div class="textholder">Ông Nguyễn Đình Hương.</div></div>
Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm tổ chức Đảng, ông
Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó
trưởng ban Tổ chức trung ương, Trưởng ban Bảo vệ chính trị
nội bộ trung ương, luôn trăn trở với mô hình nhất thể hóa
bộ máy Đảng với chính quyền. "Bây giờ, thời điểm đã
chín muồi rồi", ông Hương nói.

<h2>Trùng lặp</h2>

Cuộc trò chuyện giữa tôi với ông Nguyễn Đình Hương về
chủ đề hợp nhất bộ máy Đảng với Nhà nước bắt nguồn
từ một câu chuyện thời sự: "Vụ việc của nguyên Tổng
thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền".

Theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Tổng thanh tra Trần Văn
Truyền đã có hai vi phạm rõ ràng, thứ nhất là về nhà đất
và thứ hai bổ nhiệm cán bộ hàng loạt trước khi nghỉ hưu.
"Những sai phạm này phải được xử lý", ông nói.

<em> TBKTSG: Nhưng theo lý giải của Tổng thanh tra Chính phủ
trước Quốc hội, ông Truyền thuộc diện Ban Bí thư quản lý
nên Thanh tra Chính phủ chưa thể trả lời cụ thể về sai
phạm?</em>

- Ông Nguyễn Đình Hương: Trước đây, ông Truyền thuộc diện
Ban Bí thư quản lý. Nhưng giờ ông ấy đã nghỉ hưu rồi, có
còn chức nữa đâu. Người ta quản lý chức danh, chứ không
quản lý con người cụ thể, là ông Truyền. Khi rời chức danh
rồi thì hết.

Ví dụ như tôi trước kia là Ủy viên Trung ương Đảng thì
thuộc diện quản lý của Ban Bí thư. Nhưng giờ tôi về hưu
rồi thì chỉ là đảng viên thường, chịu quản lý của chi
bộ khu phố.

Hay nếu anh là đại biểu Quốc hội, anh có quyền bất khả
xâm phạm. Nhưng sau khi thôi đại biểu Quốc hội thì cũng hết
quyền này chứ, chả lẽ bất khả xâm phạm mãi à. Nói như
trên là đùn đẩy trách nhiệm.

<em> TBKTSG: Vụ ông Truyền là một ví dụ cho thấy đang có sự
trùng lắp giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước, dẫn tới
sự chồng chéo mà vẫn không hiệu quả. Bên đảng có Ủy ban
Kiểm tra Trung ương, phía Nhà nước có các cơ quan thanh tra.
Chưa có kết luận của cơ quan đảng thì cơ quan hành pháp chưa
thể vào cuộc, theo ông như vậy có hợp lý?</em>

- Cần gì phải có cả hai cơ quan cùng kiểm tra một cán bộ,
đảng viên vi phạm, chỉ cần lập ra một cơ quan chung, chẳng
hạn Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Nhà nước, như vậy vừa đỡ
trùng lặp, vừa đỡ phình to bộ máy, lại xử lý công việc
hiệu quả.

Tương tự, có nhiều cơ quan khác trùng nhau giữa Đảng và Nhà
nước, chẳng hạn, Bộ Nội vụ trùng với Ban Tổ chức Trung
ương. Giờ tham nhũng nhiều, nên cơ quan nào cũng có cục chống
tham nhũng, công an có, thanh tra có, Phủ thủ tướng cũng có...
rồi lại có thêm Ban Nội chính Trung ương phụ trách chống tham
nhũng của Đảng. Như vậy là trùng nhau hết. Đã đến lúc
phải đổi mới một cách cơ bản hệ thống chính trị, trong
đó có việc nhất thể hóa bộ máy Đảng và Nhà nước.

<h2>"Lãnh đạo" không phải là "ép buộc"</h2>

<em> TBKTSG: Ông có thể nói cụ thể quan điểm của ông về
khái niệm "nhất thể hóa" này?</em>

- Theo tôi, bí thư các tỉnh, thành có thể kiêm luôn chức chủ
tịch hội đồng nhân dân, nếu kiêm được chủ tịch tỉnh
thì càng tốt. Phó bí thư chỉ làm công tác đảng chuyên trách
thôi.

Bộ máy của Đảng phải thu hẹp lại để tăng cường cho cơ
quan hành pháp điều hành quản lý nhà nước.

<em> TBKTSG: Nhưng nếu kiêm nhiệm như vậy liệu có tạo ra tình
trạng độc đoán, chuyên quyền hay không và vì sao vấn đề
này được đưa ra bàn thảo từ lâu rồi nhưng vẫn không thành
hiện thực?</em>

- Độc đoán chuyên quyền thì không sợ bởi vì vẫn còn các
cơ chế giám sát khác, còn có các cơ quan lập pháp, hành pháp,
tư pháp chứ không phải tập trung hết vào một người.

Còn vì sao chưa thành hiện thực thì có nhiều lý do, nhiều e
ngại. Nhưng tôi nghĩ rằng thời điểm này đã chín muồi. Để
chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII, tôi cũng sẽ đóng
góp ý kiến về vấn đề này.

<em> TBKTSG: Lập luận của ông thế nào?</em>

- Bộ máy của chúng ta giờ hết sức cồng kềnh, tiền lương
không thể chịu nổi. Ví dụ chúng ta đã có các tổ chức thanh
niên, phụ nữ, công đoàn, vậy cần ban dân vận để làm gì
nữa. Hay trong các tổ chức trên cũng có nông dân rồi, vậy
cần thiết phải có thêm hội nông dân không? Phải tinh giản
bớt đi. Hệ thống tổ chức phải kiên quyết thay đổi một
cách căn bản thì mới tinh gọn bộ máy được.

Những đồng chí giữ cương vị quan trọng trong bộ máy nhà
nước cũng đều giữ cương vị quan trọng trong Đảng. Ngay cả
ở Quốc hội, đảng viên cũng chiếm đa số. Như vậy hiện nay
Đảng đã hiện diện ở khắp nơi rồi, vì vậy cũng cần
mạnh dạn xem lại sự tồn tại của các ban đảng, chẳng hạn
Ban Kinh tế trung ương, Ban Nội chính...

Ngày xưa thời chiến tranh, có các Bộ trưởng ngoài Đảng như
các ông Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm... Vì
vậy cần có Ban cán sự Đảng do một Thứ trưởng là Ủy viên
Trung ương đứng đầu, để duy trì sự lãnh đạo. Nhưng hiện
giờ tất cả các bộ trưởng đều là Ủy viên Trung ương, các
thứ trưởng đều là đảng viên. Vậy theo tôi cũng không cần
ban cán sự nữa, đỡ cồng kềnh, tốn kém, mất thời gian.

Việc duy trì bộ máy như vậy vừa khiến biên chế tăng vọt,
vừa khiến các cơ quan đảng và chính quyền lấn sân nhau. Đẻ
thêm bộ máy là phải thêm ghế thêm bàn, thêm mâm bát, biên
chế sẽ chịu không nổi. Nói là người của bên Đảng nhưng
Nhà nước vẫn phải trích lương từ ngân sách sang.

Nguy hại hơn nữa là do tổ chức cồng kềnh trùng lắp như
vậy nên chả ai chịu trách nhiệm hết.

<em>TBKTSG: Ông nói tới sự "lấn sân", nghĩa là trên thực
tế có những việc Đảng làm thay công việc của Nhà nước?
Chẳng hạn có những quyết sách được Đảng bàn và thống
nhất trước rồi mới đưa ra Quốc hội? Về mặt lý luận,
Đảng chỉ lãnh đạo chính trị, còn bộ máy nhà nước quản
lý?</em>

- Ở đây là câu chuyện đảng cầm quyền hay đảng lãnh
đạo. Khái niệm Đảng cầm quyền dễ làm người ta hiểu
rằng, Đảng quyết định tất cả. Hiểu như vậy hết sức
nguy hiểm. Đảng của chúng ta là Đảng lãnh đạo, chỉ đưa
đường lối chứ không quyết định. Khi đưa ra đường lối,
Đảng phải thuyết phục Nhà nước có đồng ý hay không.

Mỗi chính sách gì Đảng đưa ra cũng phải thuyết phục Quốc
hội. Quốc hội có thể đồng ý hoặc không đồng ý. Nếu nói
Bộ Chính trị đã quyết rồi và Quốc hội phải bắt buộc
phải chấp thuận là không đúng.

Những chỉ thị, nghị quyết của Đảng có ý nghĩa bắt buộc
trong nội bộ đảng. Nhưng để dân ủng hộ thì chỉ thị,
nghị quyết đó cần được chuyển hóa qua Quốc hội để
thành pháp luật mới đi vào cuộc sống. Đảng lãnh đạo là
phải thuyết phục chứ không nên ép buộc, không phải là
Đảng quyết rồi, Quốc hội thể chế hóa đi. Như vậy là sai
tinh thần Đảng lãnh đạo.

<em> TBKTSG: Theo ông, vấn đề "nhất thể hóa" có được
đề cập tại đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới
không?</em>

- Có và tôi sẽ đóng góp ý kiến về vấn đề này. Đảng ta
đã có những thành công sau 30 năm đổi mới kinh tế. Tuy nhiên
nếu không đổi mới hệ thống chính trị thì sẽ cản trở
sức sống của đổi mới kinh tế, gây khó khăn cho đổi mới
công tác cán bộ, đổi mới tổ chức để thực hiện đúng mô
hình "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm
chủ".

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141220/chien-thang-dang-khong-the-lam-thay-chinh-quyen),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét