Trật tự thế giới mới: Lao động, vốn và sáng kiến trong kinh tế của luật lũy thừa

Những tiến bộ kỹ thuật gần đây đã gia tăng tính thống
nhất về thị trường lao động và tư bản/vốn toàn cầu.
Ứng dụng tính thống nhất của hai yếu tố này tạo ra sự
ổn định về giá cả, rất có lợi cho những quốc gia có
lương nhân công rẻ và chi phí vay vốn thấp. Một số người
lý luận rằng thời đại công nghệ tiến bộ đến chóng mặt
này có lợi cho thị trường lao động, số khác lại cho rằng
thuận tiện trong việc vay vốn. Cả hai ý kiến đã coi nhẹ
một thực tế rằng công nghệ không chỉ kết hợp các nguồn
vốn và lao động hiện tại, mà còn tạo ra những nguồn mới.

Máy móc đang thay thế cho nhiều kiểu lao động của con người
hơn bao giờ hết. Sự thay thế này càng được lập lại bao
nhiêu, càng tạo ra nhiều vốn bấy nhiêu. Điều này có nghĩa
rằng sự thắng lợi thực sự trong tương lai không phải là
những nơi cung cấp lao động rẻ hay chủ nhân của các nguồn
vốn bình thường, cả hai đều sẽ bị ép buộc phải tự
động hóa, mà cho nhân tố thứ ba: những người sáng tạo các
sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.

Sự phân phối thu nhập cho tầng lớp sáng tạo này thường
được thể hiện dưới hình thức của luật lũy thừa: một
nhóm nhỏ được hưởng hầu hết lợi nhuận, kéo theo sau đuôi
là một lô những người tham dự [vào việc sáng tạo] khác. Do
đó trong tương lai, các đóng góp ý tưởng sáng tạo thực sự
trở nên khan hiếm trên thế giới -- khan hiếm hơn cả lao
động và nguồn vốn -- và những người cung cấp các ý tưởng
tốt sẽ thu hoạch những thành quả rất lớn. Bảo đảm đời
sống với tiêu chuẩn có thể chấp nhận được cho đa số
những người còn lại và để xây dựng một nền kinh tế-xã
hội toàn diện sẽ là một thách thức quan trọng trong nhiều
năm sắp tới.

<h2>Khó Khăn Về Lao Động</h2>

Hãy lật iPhone của bạn ra phía sau, bạn sẽ đọc được một
kế hoạch kinh doanh gói ghém trong tám từ phục vụ tuyệt vời
cho Apple: "Thiết kế bởi Apple tại California. Lắp ráp tại
Trung Quốc'' (Designed by Apple in California. Assembled in China).
Với số vốn theo giá thị trường trên 500 tỉ, Apple trở thành
công ty có giá trị nhất hoàn cầu. Các biến thể của chiến
lược này không chỉ hữu hiệu đối với Apple và các doanh
nghiệp lớn khác trên thế giới, mà còn hữu hiệu cho các doanh
nghiệp hạng trung, và ngay cả các doanh nghiệp đa quốc gia
nhỏ. Ngày càng nhiều doanh nghiệp ứng dụng hai sức mạnh
tuyệt hảo của thời đại chúng ta - công nghệ và toàn cầu
hoá - để thu lợi nhuận.

Công nghệ đã đẩy toàn cầu hoá về phía trước, giảm thiểu
đáng kể chi phí giao dịch, thông tin liên lạc và đưa thế
giới đến gần hơn một thị trường lớn lao duy nhất về lao
động, vốn, và các nguồn đầu vào khác phục vụ cho sản
xuất. Mặc dù công nhân chưa hoàn toàn di chuyển tự do, nhưng
các yếu tố khác ngày càng tăng sự dịch chuyển dễ dàng.
Kết quả là, các thành tố khác nhau [dụng cụ, vật liệu…]
được chuyển đến nơi công nhân làm việc với một ít khó
khăn và tổn phí nhỏ. Khoảng một phần ba số hàng hóa và
dịch vụ trong những nền kinh tế tiên tiến là có thể dùng
để trao đổi buôn bán, nhưng con số này đang gia tăng. Ảnh
hưởng của cạnh tranh toàn cầu lan toả sang cả những phần
không giao dịch buôn bán, trong cả hai nền kinh tế tiên tiến
và đang phát triển.

Tất cả những điều này tạo điều kiện không chỉ cho hiệu
quả và lợi nhuận lớn hơn, mà còn tạo sự bất dịch chuyển
chỗ làm rất lớn. Nếu một công nhân ở Trung Quốc hay Ân
Độ có thể làm công việc giống như một công nhân ở Mỹ,
thì định luật về kinh tế đặt định rằng cuối cùng, họ
sẽ hưởng một đồng lương tương tự (được điều chỉnh
đối với một số khác biệt về năng suất quốc gia). Một
cách tổng thể, đó là tin tức tốt đẹp cho một nền kinh tế
hiệu quả, cho người tiêu dùng và cho công nhân ở những
nước đang phát triển – nhưng không cho công nhân ở những
nước đã phát triển, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh
chi phí thấp. Nghiên cứu chỉ ra rằng các lãnh vực có thể
giao dịch ở các nước công nghiệp tiên tiến đã không tạo ra
được mức lao động ròng (net employment generator) trong hai thập
niên qua. Điều đó có nghĩa là việc làm được tạo ra chỉ
nội trong lãnh vực bất khả giao dịch (nontradable sector), nơi
mà lương công nhân suy giảm vì ngày càng phải cạnh tranh với
công nhân di dời từ lãnh vực khả thể giao dịch (tradable
sector) chuyển sang.

Ngay cả khi câu chuyện toàn cầu hoá được tiếp tục, một
hiện tượng lớn hơn đang bắt đầu diễn ra: câu chuyện về
tự động hóa, rô bốt, in ấn ba chiều và những chuyện tương
tự như vậy. Chuyện thứ hai đang vượt qua chuyện trước,
với một số trong những tác dụng lớn nhất sẽ ảnh hưởng
đến các công nhân không có tay nghề ở các quốc gia đang phát
triển.

Ví dụ: đến thăm một nhà máy ở tỉnh Quảng Đông của Trung
Quốc, bạn sẽ thấy hàng ngàn người trẻ làm việc ngày này
qua ngày khác, với một động tác lập đi lập lại như gắn
kết hai phần của một bàn phím lại với nhau. Những công
việc như vậy rất hiếm khi, hoặc có thể chẳng bao giờ,
được nhìn thấy nữa ở Hoa Kỳ hay các nước giầu có khác.
Nhưng nó cũng có thể không tồn tại lâu lắm nữa ở Trung
Quốc và ngay cả phần còn lại của các nước đang phát
triển, bởi các nước đó đang dính dáng đến các loại việc
mà rô bốt có thể làm rất dễ. Khi các loại máy thông minh
ngày càng rẻ và mua dễ dàng, nó sẽ càng thay thế cho sự lao
động của con người, đặc biệt đối với các cơ xưởng
sản xuất và các loại công việc có tính cách lập đi lập
lại. Nói cách khác, mở hãng sản xuất ở những nước có lao
động rẻ chỉ là trạm xưởng xa nhà trên đường tự động
hoá.

Điều này sẽ xảy ra ngay cả ở những nơi có chi phí lao
động thấp. Thật vậy, Foxconn, công ty Trung Quốc lắp ráp
iPhone và iPad, có hơn một triệu người lao động thu nhập
thấp - nhưng bây giờ, họ được bổ sung và thay thế bởi
một đội quân ngày càng tăng của rô bốt. Thế là, sau khi
nhiều công việc sản xuất được chuyển từ Mỹ sang Trung
Quốc, chúng xuất hiện để rồi lại biến mất khỏi Trung
Quốc. (Dữ liệu đáng tin cậy về quá trình chuyển đổi này
khó có thể tìm được. Theo báo cáo chính thức về số liệu
của Trung Quốc cho biết thì có sự sụt giảm 30 triệu việc
làm thuộc ngành sản xuất từ năm 1996, hoặc 25 phần trăm trên
tổng số, ngay cả khi sản lượng sản xuất tăng hơn 70 phần
trăm, nhưng một phần của sự suy giảm này có thể phản ánh
các sửa đổi trong phương pháp thu thập dữ liệu). Khi không
còn phải theo đuổi thị trường lao động rẻ nữa, giá trị
sản phẩm gia tăng vì tiết giảm chi phí tồn kho, thời gian giao
hàng rút ngắn, hoặc đại loại như thế, và càng có lợi cho
bất cứ chỗ nào là thị trường cuối cùng [nơi sản phẩm
được tiêu thụ].

Khả năng phát triển của tự động hóa đe dọa một trong
những chiến lược đáng tin cậy nhất mà các nước nghèo
thường sử dụng để thu hút đầu tư bên ngoài: cung cấp lao
động rẻ để bù đắp cho năng suất và công nhân kỹ năng
thấp. Và xu hướng này sẽ mở rộng ra ngoài lãnh vực sản
xuất. Ví dụ, hệ thống phản ứng tương tác giọng nói
(interactive voice response system) giảm thiểu tương tác trực tiếp
giữa người với người, đang gây trở ngại cho các trung tâm
phục vụ khách hàng bằng điện thoại trong các nước đang
phát triển. Tương tự như vậy, các thảo chương máy tính
đáng tin cậy sẽ cắt bỏ công việc sao chép thường được
thực hiện trong thế giới đang phát triển. Ngày càng nhiều
lãnh vực sử dụng máy móc tinh khôn và linh hoạt thay thế cho
nguồn chi phí hiệu quả nhất là "lao động" rẻ.

<h2>Khó Khăn Về Vốn </h2>

Nếu nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào không còn là con
đường rõ ràng để phát triển kinh tế, vậy thì đó là gì?
Một trường phái chỉ ra những đóng góp ngày càng tăng của
vốn: các tài sản vật chất và phi vật thể kết hợp với lao
động để sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho một nền kinh
tế (hãy nghĩ đến các thiết bị, các tòa nhà, bằng sáng
chế, nhãn hiệu, và những thứ tương tự). Như kinh tế gia
Thomas Piketty lập luận trong cuốn sách bán chạy nhất của ông,
Tư Bản Trong Thế Kỷ Hai Mươi Mốt, theo một điều kiện ông
dự đoán cho tương lai thì vốn liếng của một nền kinh tế
có xu hướng tăng lên khi hiệu suất sinh lợi trên vốn cao hơn
hiệu suất tăng trưởng kinh tế. "Vốn tăng trưởng" trong các
nền kinh tế mà Piketty dự báo sẽ tăng mạnh hơn nữa khi rô
bốt, máy tính và phần mềm (tất cả đều là những hình
thức vốn) ngày càng thay thế cho sự lao động của con người.
Những kết quả trước mắt cho thấy rằng hình thức thay đổi
công nghệ dựa vào vốn đang diễn ra tại Hoa Kỳ và trên toàn
thế giới.

Trong thập kỷ qua, sự phân rẽ liên tục tại Hoa Kỳ giữa [hai
ý tưởng] tổng thu nhập quốc dân dồn cho lao động và rồi
dồn sang cho vốn dường như đã thay đổi đáng kể. Các kinh
tế gia Susan Fleck, John Glaser, và Shawn Sprague nêu ra trong Báo cáo
của Cục Thống kê Lao động Hàng Tháng (Bureau of Labor
Statistics' Monthly Labor Review) năm 2011, thì "tỉ lệ lao động
trung bình là 64,3 phần trăm từ 1947 đến năm 2000, đã giảm
trong thập kỷ qua, và sụt giảm đến điểm thấp nhất ở quý
ba năm 2010, chỉ còn có 57,8 phần trăm". Di chuyển xưởng sản
xuất về lại Mỹ từ nước ngoài, bao gồm cả quyết định
của Apple nhằm sản xuất máy tính Mac Pro mới tại Texas, không
đảo ngược xu hướng này. Để đạt được hiệu quả kinh
tế, các cơ sở sản xuất mới tại nội địa cần phải
được tự động hóa cao.

Các quốc gia khác đang chứng kiến xu hướng tương tự. Hai kinh
tế gia Loukas Karabarbounis và Brent Neiman ghi nhận sự sụt giảm
đáng kể trong tỉ lệ lao động của GDP đối với 42 trong số
59 quốc gia mà họ nghiên cứu, bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ
và Mễ Tây Cơ, mô tả phát hiện của họ là rõ ràng tiến bộ
trong công nghệ kỹ thuật số là một động lực quan trọng
của hiện tượng này: "Việc giảm giá tương đối của các
thiết bị đầu tư [để sản xuất] thường đóng góp vào sự
tiến bộ của công nghệ thông tin và thời đại vi tính, khiến
các hãng xưởng thay đổi quan điểm, từ chú ý đến số
lượng công nhân để hướng sang vốn liếng. Việc giảm giá
các thiết bị đầu tư giải thích cho một nửa sự sụt giảm
của tỷ lệ lao động".

Nhưng nếu tỉ lệ vốn của thu nhập quốc gia gia tăng, việc
tiếp tục xu hướng này trong tương lai có thể gây nguy hiểm
khi những thách thức mới đối với vốn xuất hiện - không
phải từ một sự điều chỉnh lao động nhưng từ một đơn
vị ngày càng quan trọng trong chính chức năng của vốn: đó là
vốn kỹ thuật số.

Trong một thị trường tự do, phần lợi nhuận lớn nhất
thuộc về sự khan hiếm nguồn đầu vào cần thiết cho sản
xuất. Với một thế giới mà các loại vốn chẳng hạn như
phần mềm và rô bốt có thể được nhân rộng với giá rẻ,
thì giá trị biên (maginal value) của nó sẽ có xu hướng giảm,
thậm chí khi chúng được sử dụng tổng hợp. Ngay cả khi vốn
được đưa vào [sử dụng với chi phí rẻ], giá trị vốn
hiện có sẽ thực sự suy giảm. Không như các hãng xưởng
truyền thống, nhiều loại vốn kỹ thuật số có thể thêm vào
[trong tiến trình sản xuất] với giá cực rẻ. Ví dụ phần
mềm được sao chép và phân phối mà hầu như chi phí không
tăng. Và các thành tố phần cứng máy tính, chi phối bởi các
biến thể của định luật Moore's, sẽ ngày càng rẻ hơn theo
thời gian. Vốn kỹ thuật số, nói một cách ngắn gọn, vừa
dồi dào, có chi phí biên thấp và ngày càng quan trọng trong
hầu hết các ngành công nghiệp.

Ngay cả khi vốn trở nên quan yếu, tỉ lệ lợi nhuận thu
được của nhà đầu tư gia tăng không nhất thiết liên quan
đến lao động. Tỉ lệ đó phụ thuộc vào sự chính xác đến
từng chi tiết đối với các hệ thống sản xuất, phân phối
và quản trị.

Trên tất cả, phần thưởng lợi nhuận phụ thuộc vào nguồn
đầu vào nào dùng để sản xuất, khan hiếm nhất. Nếu công
nghệ kỹ thuật số tạo ra những yếu tố thay thế cho một
loạt các loại công việc với giá rẻ, thì đây là thời
điểm không nên là một người lao động. Nhưng nếu công nghệ
kỹ thuật số ngày càng thay thế cho vốn, thì các chủ sở
hữu vốn cũng không nên mong đợi sẽ kiếm được lợi nhuận
qua việc bỏ ra một số vốn đầu tư kếch sù.

<h2>Khó Khăn Kỹ Thuật Bị Phá Vỡ </h2>

Điều gì khan hiếm nhất sẽ có giá trị nhất, đó là nguồn
tài nguyên mà hai chúng tôi (Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee) gọi
là "thời đại máy tính thứ hai", phải chăng là thời đại
của công nghệ kỹ thuật số và những đặc điểm kinh tế
liên quan? [Thực ra] không phải là nguồn lao động bình
thường, cũng không phải nguồn vốn thông thường nữa, nhưng
là những người có sáng kiến và cải cách mới.

Tất nhiên, những người như vậy luôn có giá trị kinh tế, và
kết quả là họ được hưởng lợi rất lớn từ các sáng
kiến đưa ra. Tuy nhiên, họ phải chia sẻ lợi nhuận với vốn
và người lao động, là nhân và tài lực cần thiết để đưa
sáng kiến mới vào thị trường. Công nghệ kỹ thuật số ngày
càng làm cho cả hai, lao động và vốn, trở thành các loại
hàng hoá thông thường; do đó, những người sáng tạo, nhà
cải cách và các doanh gia sẽ được hưởng tỉ lệ tưởng
thưởng lớn. Những người có ý tưởng sáng tạo, không phải
công nhân hoặc nhà đầu tư, sẽ là nguồn tài nguyên khan hiếm
nhất.

Các nhà kinh tế với mô hình cơ bản thường giải thích tác
động của công nghệ như là yếu tố tạo tăng trưởng đối
với tất cả mọi thứ khác, và [hệ quả là] tăng năng suất
tổng thể đồng đều cho tất cả mọi người. Mô hình này
được sử dụng trong hầu hết các lớp học giới thiệu về
kinh tế và cung cấp nền tảng cho sự hiểu biết phổ thông -
nhưng, cho đến gần đây, trở nên khá mong manh dễ bị bác bỏ
- trực giác cho biết rằng khi thủy triều của tiến bộ công
nghệ dâng lên, sẽ nâng tất cả tàu thuyền lên đều nhau, làm
cho công nhân hiệu quả hơn và do đó, có giá trị hơn.

Tuy nhiên, một mô hình hơi phức tạp và thực tế hơn cho thấy
rằng công nghệ có thể không ảnh hưởng đến tất cả các
yếu tố đầu vào như nhau, nhưng sẽ tạo thuận lợi hơn ở
nhóm này so với người khác. Ví dụ, thay đổi kỹ thuật dựa
trên kỹ năng thuận lợi với người lao động có tay nghề cao
hơn là so với người có tay nghề thấp, và thay đổi kỹ
thuật dựa trên vốn sẽ tạo thuận lợi đối với vốn hơn
là người lao động. Cả hai loại thay đổi kỹ thuật này có
vai trò quan trọng trong quá khứ, nhưng càng ngày, một loại
thứ ba - những gì chúng ta gọi là thay đổi kỹ thuật siêu
đẳng - sẽ dựa trên nền kinh tế toàn cầu.

Ngày nay, khá dễ để có thể hệ thống hóa nhiều mặt hàng
quan trọng, dịch vụ và các quy trình [sản xuất]. Một khi đã
hệ thống hóa, chúng có thể được số hóa, và khi đã số
hóa, chúng có thể được nhân rộng. Bản sao kỹ thuật số có
thể được thực hiện gần như không tốn kém và chuyển tới
bất cứ nơi nào trên thế giới ngay lập tức, một bản sao
chính xác y bản gốc. Sự kết hợp của ba đặc điểm - chi
phí cực thấp, có mặt khắp nơi nhanh chóng, và sự in lại
nguyên bản - dẫn đến một số nền kinh tế kỳ lạ và tuyệt
vời. Nó có thể tạo ra sự phong phú chưa từng có do tình
trạng khan hiếm, không chỉ đối với hàng tiêu dùng, chẳng
hạn như videos âm nhạc, mà còn cho các yếu tố kinh tế đầu
vào, chẳng hạn như một số loại vốn và lao động.

Lợi nhuận tại các thị trường như vậy thường theo một mô
hình khác biệt - luật luỹ thừa, hoặc đường cong Pareto, trong
đó một số lượng nhỏ các tham dự viên gặt hái phần
thưởng một cách bất cân xứng [tức quá nhiều]. Hiệu ứng
mạng, theo đó một sản phẩm càng trở nên có giá trị hơn khi
càng nhiều người sử dụng nó, có thể tạo ra loại người
mà khi thắng thì được hưởng tất cả hay chiếm lĩnh hầu
hết thị phần. Hãy quan sát Instagram, [mạng] chia sẻ hình ảnh
như một ví dụ về tính kinh tế của các nền kinh tế mạng
kỹ thuật số. 14 người đã tạo ra một công ty không cần
nhiều công nhân không có tay nghề làm việc, cũng không cần
nhiều vốn tiền tươi. Họ xây dựng một sản phẩm kỹ thuật
số và hưởng lợi từ hiệu ứng mạng, và sau một năm rưỡi,
khi sản phẩm được sử dụng rộng rãi, họ đã bán công ty
với số tiền là ba phần tư tỷ đô la - trớ trêu thay, vài
tháng sau thì một công ty nhiếp ảnh khác, Kodak, phá sản, mà
ở thời kỳ phát triển nhất, họ cần khoảng 145.000 công nhân
và có trong tay cả hàng tỷ đô la tiền vốn.

Instagram là ví dụ điển hình của một quy luật tổng quát
hơn. Thường thì khi những cải tiến trong công nghệ kỹ thuật
số để số hóa một sản phẩm hoặc quy trình, người có sáng
kiến đầu tiên nhìn thấy sự gia tăng thu nhập của mình rất
rõ, trong khi kẻ tham dự thứ nhì hoặc những kẻ đến muộn
sẽ rất khó cạnh tranh. Các nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu
trong âm nhạc, thể thao và các lĩnh vực khác cũng đã nhìn
thấy thu nhập thu nhập của họ gia tăng từ những năm 1980,
trực tiếp hoặc gián tiếp đi theo cùng một xu hướng như
thế.

Nhưng không phải chỉ phần mềm và các phương tiện truyền
thông đang chuyển biến. Số hóa và hệ thống mạng đang trở
nên phổ biến hơn đối với mọi chức năng và ngành công
nghiệp của toàn bộ nền kinh tế, từ buôn bán lẻ tới các
dịch vụ tài chính để sản xuất và tiếp thị. Điều đó có
nghĩa là kinh tế siêu đẳng đang ảnh hưởng đến các loại
hàng hóa, dịch vụ, và người dân hơn bao giờ hết.

Ngay các giám đốc điều hành hàng đầu đã bắt đầu kiếm
tiền tương tự như các ngôi sao nhạc rock. Năm 1990, lương một
giám đốc điều hành tại Hoa Kỳ là, trung bình 70 lần lớn
hơn tiền lương của các người lao động khác; trong năm 2005,
là 300 lần lớn hơn. Nói chung, điều này diễn ra trong cùng
một hướng trên toàn cầu, mặc dù có khác biệt đáng kể
giữa các quốc gia. Nhiều lực đẩy đang tiếp diễn, bao gồm
thuế và những thay đổi chính sách, chuẩn mực văn hóa và tổ
chức, lẫn yếu tố may mắn. Nhưng khi nghiên cứu của một
trong chúng tôi (Brynjolfsson) và Heekyung Kim cho thấy, một phần
của sự phát triển có liên quan đến việc sử dụng rất lớn
công nghệ thông tin. Công nghệ mở rộng phạm vi, khả năng
tiếp cận và giúp theo dõi nhân sự đưa ra quyết định, gia
tăng giá trị của một quyết định đúng đắn qua sự lựa
chọn của ông hay bà ta. Quản lý trực tiếp thông qua công
nghệ kỹ thuật số làm cho người quản lý giỏi có giá trị
hơn so với thời gian trước kia, vì giám đốc điều hành phải
chia sẻ quyền kiểm soát với chuỗi dài những thuộc cấp mà
họ chỉ có thể ảnh hưởng đến một phạm vi nhỏ các hoạt
động [của công ty]. Ngày nay, giá trị thị trường của một
công ty càng lớn, thì càng hấp dẫn đối với các lập luận
rằng phải cố tìm cho bằng được những giám đốc điều
hành hàng đầu để dẫn dắt công ty.

Khi thu nhập được phân phối theo quy luật luỹ thừa, hầu
hết mức lương mọi người sẽ nằm dưới mức trung bình, và
nền kinh tế quốc gia hiển nhiên đang ngày càng phụ thuộc vào
những động lực như vậy, mô hình này sẽ đóng vai trò chính
ở cấp quốc gia. Chắc chắn một điều, Hoa Kỳ hiện nay là
một trong những quốc gia có mức bình quân đầu người GDP cao
nhất thế giới - ngay cả khi thu nhập bình quân của mức giữa
cao và thấp, về cơ bản, đã bị đình trệ trong hai thập kỷ
qua.

<h2>Chuẩn Bị Cho Cuộc Cách Mạng Vĩnh Viễn </h2>

Các động lực đang thúc đẩy trong thời đại máy tính thứ
hai rất mạnh mẽ, có tính tương tác và phức tạp. Khó có
thể nhìn xa vào tương lai để dự đoán một cách chính xác
tác động cuối cùng là gì. Tuy nhiên, nếu mỗi cá nhân, doanh
nghiệp và chính phủ hiểu những gì đang xảy ra, ít nhất họ
có thể cố gắng điều chỉnh để thích nghi.

Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ, cố gắng giành lại một số doanh
nghiệp từ câu thứ hai trong kế hoạch kinh doanh tám chữ của
Apple [Lắp ráp tại Trung Quốc - Assembled in China] cũng sẽ bị
đảo ngược bởi kỹ thuật và phân xưởng sản xuất, một
lần nữa, được thực hiện ngay bên trong biên giới Mỹ. Tuy
nhiên, câu đầu tiên của kế hoạch [Thiết kế bởi Apple tại
Cali - Designed by Apple in California] sẽ trở nên quan trọng hơn bao
giờ hết; và ở đây, mối quan tâm, chứ không phải lòng tự
mãn, xếp theo đúng thứ tự trước sau. Có thể là điều không
may, sự năng động và sáng tạo đã làm cho Hoa Kỳ trở thành
quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới, có lẽ đang sút kém.

Tạ ơn cuộc cách mạng kỹ thuật số, việc thiết kế và cải
tiến, bây giờ cũng trở thành một phần của khu vực
khả-giao-dịch trong nền kinh tế toàn cầu, và sẽ phải đối
mặt với cùng một loại cạnh tranh đã biến đổi phương pháp
sản xuất. Lãnh đạo về thiết kế phụ thuộc vào lực
lượng lao động được đào tạo và một nền văn hóa kinh
doanh, lợi thế truyền thống của Mỹ ở khu vực này đang
giảm. Mặc dù Hoa Kỳ đã từng một lần dẫn đầu thế giới
đối với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong lực lượng lao
động, có ít nhất một bằng cử nhân, đã tụt xuống vị trí
thứ 12. Và bất chấp những tin đồn về khả năng kinh doanh ở
những nơi như thung lũng Silicon, dữ liệu cho thấy từ năm 1996,
số lượng công ty Mỹ mới ra đời sử dụng hơn một nhân
viên đã giảm hơn 20 phần trăm.

Nếu các xu hướng đang được thảo luận mang tính toàn cầu,
tác động của địa phương sẽ định hình, một phần, bởi
các chính sách xã hội và đầu tư mà các nước chọn lựa
thực hiện, trong lãnh vực giáo dục và trong việc thúc đẩy
sự cải tiến và năng động kinh tế càng phổ cập. Trong hơn
một thế kỷ qua, hệ thống giáo dục Mỹ là sự ghen tị đối
với thế giới, với tính phổ quát là trung học tới lớp 12
và các trường đại học đẳng cấp thế giới đã giữ cho
kinh tế tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, trong những thập kỷ
gần đây, giáo dục tiểu học và trung học ở Mỹ ngày càng
trở nên không đồng đều, với chất lượng dựa trên mức thu
nhập của khu gia cư chung quanh và [thầy cô] thường nhấn mạnh
việc lập đi lập lại nhiều lần.

May mắn thay, cách mạng kỹ thuật số tương tự cuộc biến
chuyển sản phẩm và thị trường lao động cũng có thể dùng
để chuyển đổi nghành giáo dục. Học trực tuyến (online
learning) có thể giúp sinh viên tiếp cận với giáo viên, nội
dung và phương pháp tốt nhất bất kể họ đang ở đâu, và
sự tiếp cận với kho dữ liệu mới vào lãnh vực này sẽ dễ
dàng đo lường điểm mạnh, điểm yếu và học sinh có tiến
bộ hay không. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các chương trình
học tập cá nhân được cải tiến liên tục, ứng dụng kỹ
thuật thông tin phản hồi, điều đã biến chuyển ngành bán
lẻ, sản xuất và địa hạt khám phá rất khoa học.

Thay đổi công nghệ và toàn cầu hoá có thể làm tăng sự giàu
có và hiệu quả kinh tế của các quốc gia và thế giới nói
chung, nhưng không phải sẽ lợi ích cho tất cả mọi người,
ít nhất là trong ngắn và trung hạn. Cụ thể, công nhân bình
thường sẽ tiếp tục chịu đựng gánh nặng của sự thay
đổi, chỉ hưởng lợi ích như là người tiêu dùng chứ không
nhất thiết như một người [trong guồng máy] sản xuất. Điều
này có nghĩa rằng nếu không có sự can thiệp mạnh hơn nữa,
bất bình đẳng kinh tế có thể tiếp tục tăng, đặt ra một
loạt các vấn đề. Thu nhập bất bình đẳng sẽ dẫn đến
bất bình đẳng cơ hội, khiến các quốc gia khó tiếp cận
với nhân tài và phá hỏng hợp đồng xã hội. Trong khi đó
quyền lực chính trị, thường theo sau sức mạnh kinh tế, trong
trường hợp này dễ làm cho nền dân chủ yếu đi.

Những thách thức này có thể và cần phải được giải quyết
thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng cơ bản chất
lượng cao, bao gồm giáo dục, y tế và bảo đảm tài chánh khi
nghỉ hưu. Các dịch vụ này rất quan trọng để tạo ra sự
bình đẳng thực sự về cơ hội trong một môi trường kinh tế
thay đổi nhanh chóng, đồng thời tăng tính di động giữa các
thế hệ [để thu ngắn khoảng cách] về thu nhập, tài sản và
triển vọng trong tương lai.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung, có sự đồng
thuận từ hầu hết các kinh tế gia rằng nhiều chính sách cần
thiết phải được đặt ra. Chiến lược cơ bản thì khá đơn
giản nếu môi trường chính trị chưa cho phép: cần tăng
cường đầu tư cho hiệu quả hơn vào khu vực công trong ngắn
và trung hạn, cùng lúc đưa ra một kế hoạch củng cố tài
chính hàng năm trong dài hạn. Đầu tư công được biết là mang
lại lợi nhuận cao khi nghiên cứu về y tế, khoa học và công
nghệ; trong giáo dục; và chi tiêu cơ sở hạ tầng, giao thông,
sân bay, nước máy công cộng và hệ thống vệ sinh môi
trường, cũng như năng lượng và mạng lưới thông tin liên
lạc. Chính phủ tăng chi trong các lãnh vực này sẽ thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế hiện nay, ngay cả khi [dự trù] đầu tư
của chính phủ sẽ tạo ra sự giàu có thực sự cho các thế
hệ tương lai.

Khi cuộc cách mạng kỹ thuật số tiếp tục được đẩy mạnh
trong tương lai vì nó đã được chứng minh trong những năm gần
đây, cấu trúc của nền kinh tế hiện đại và vai trò của
việc làm cần phải được xem xét lại. Như một tập thể, con
cháu chúng ta có thể làm việc ít giờ đi và có cuộc sống
tốt hơn - nhưng cả hai: công việc và những tưởng thưởng
từ công việc có thể bị phân phối không đồng đều với
một loạt các hậu quả khó chịu. Tạo sự phát triển bền
vững, công bằng và rộng mở sẽ đòi hỏi nhiều cố gắng
hơn là một việc kinh doanh bình thường. Để bắt đầu về
chuyện đó thì cần phải hiểu biết đúng đắn về mọi thứ
đang biến chuyển xa và nhanh, thật sự như thế nào.

<strong>Nguồn:</strong> "<a
href="http://www.foreignaffairs.com/articles/141531/erik-brynjolfsson-andrew-mcafee-and-michael-spence/new-world-order">New
World Order: Labor, Capital, and Ideas in the Power Law Economy</a>", by Erik
Brynjolfsson, Andrew McAfee, and Michael Spence

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140901/trat-tu-the-gioi-moi-lao-dong-von-va-sang-kien-trong-kinh-te-cua-luat-luy-thua),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét