Nguyễn Hữu Liêm - Những Nguyên tắc Hiến pháp (2)

<strong>
NGUYÊN TẮC BỔN PHẬN CÔNG DÂN</strong>

Dan Kemmis, một thị trưởng của thành phố nhỏ Missoula, tiểu
bang Montana, Hoa Kỳ, trong một buổi luận đàm trong năm 1990 phát
biểu, "Hiến pháp còn đóng vai trò và mang chức năng khác hơn
là pháp lý. Nó là một tác động mà trong đó con người tự
họ kiến tạo cho chính họ một xã hội."(169) Kemmis nói
tiếp, khi nhìn về quốc gia qua hiến pháp, chúng ta phải từ
bỏ hai thái cực mà một phía cái mà cựu tổng thống Mỹ
Kennedy hỏi, "Bạn đã làm gì cho quốc gia?"; còn phía kia thì
chỉ đến trên tư thế vị kỷ của cá nhân "quyền hành của
tôi" (mu rights). Kemmis dựa trên tinh thần của Rousseau và đề
nghị, hiến pháp phải thể hiện được mệnh đề, "Dân tộc
ta ước vọng gì?" (What do we will as a people?)

Buổi luận đàm mà Kemmis tham dự xuất pháp từ bối cảnh
hiện đại Hoa Kỳ mà một số nhà xã hội học Mỹ cho rằng
sự thoái hóa của ý thức bổn phận công dân trong cao trào
đòi dân quyền từ mọi phía của dân Mỹ. Câu hỏi đặt ra
từ số học giả này là, với đà này, liệu hiến pháp Hoa Kỳ
phải có những tu chính bao gồm những bổn phận công dân (Bill
of Duties) để cân bằng với tu chính quyền hạn (Bill of Rights).
Nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ, sở dĩ hiến pháp Mỹ không nói
đến Bill of Duties vì phạm trù bổn phận là vấn đề đức
hạnh công dân (civic virtue). Hiến pháp của Mỹ được kiến
tạo để củng cố nền tảng chính quyền liên bang khi mà xã
hội công dân của người Mỹ đã có khả năng tự quản. Hơn
nữa, đức hạnh công dân, bao gồm ý thức trách nhiệm và bổn
phận đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia thuộc
về lãnh vực tự giác và tự nguyện. Nếu pháp chế hóa và
cưỡng bách hóa phạm trù tự giác thì cái nền tảng đức
hạnh sẽ bị phá hủy. Cảm nhận của bổn phận, nếu pháp
chế hóa và cưỡng bách hóa phạm trù tự giác thì nền tảng
đức hạnh sẽ trở nên một phản đề của tự do - như Edmund
Burke của Anh quốc viết sau cách mạng Pháp 1789 rằng nếu nhà
nước cưỡng chế bổn phận công dân thì công dân sẽ không
còn là một hữu thể đức hạnh ("moral being") ý thức
được thế đúng vào vai trò của mình đối với quốc gia và
xã hội nữa.(170) Hay nói theo Christopher P. Stone, Khoa trưởng
Luật, Đại học Chicago thì, "cưỡng bách bổn phận bằng
luật pháp sẽ làm tàn lụn ý thức tự giác, tự phát của
trách nhiệm công dân."(171) Nhưng thực tế thì sao? Mặc dù
hiến pháp Hoa Kỳ không nêu lên bổn phận công dân nhưng nó
lại cho phép chính quyền làm luật, pháp chế hóa và cưỡng
bách nhiều trách nhiệm công dân như đóng thuế, quân dịch, chu
cấp cho phối ngẫu và con cái. Như thế thì dù thế nào đi
nữa, quốc gia cũng phải cưỡng chế trách nhiệm công dân.
Vấn đề chỉ còn là mức độ và bản chất. Sự cưỡng chế
đòi hỏi quân bình đối với quyền hạn và nền tảng tự do
cá nhân. Khẩu hiệu cách mạng của dân Mỹ dưới thời còn
thuộc địa Anh là sự chống đối bổn phận đóng thuế mà
không được đại diện. Do đó, công dân chấp nhận trách
nhiệm đóng thuế trên những điều kiện vừa phải, hợp lý,
và dân chủ. Hiến pháp Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết 1936 liệt
kê một số những bổn phận và trách nhiệm công dân như tuân
chấp luật pháp, kỷ luật lao động, chân thật chấp hành
nhiệm vụ công cộng, chấp hành lề lối và kỷ cương của
cộng đồng xã hội (điều 129) bảo vệ tổ quốc (điều 133).
Hiến pháp này được tu chính vào năm 1977 với những điều
khoản mới như điều 59: "Công dân hành xử quyền hạn và
tự do không thể tách rời khỏi sự thi hành nhiệm vụ và
trách nhiệm," ngoài ra còn "phải chấp hành với tiêu chuẩn
hành vi xã hội chủ nghĩa..." Điều 59 này mang cái khuyết
điểm nặng nhất: quyền hạn và tự do chỉ được có như là
sự ban phát và điều kiện hóa bởi bổn phận công dân. Đây
là nguồn gốc của căn bệnh độc tài vì nhà nước nhân dAnh
quốc gia như là một thực thể tối cao, tách rời, và ưu tiên
hơn cá nhân để hành xử tập thể quốc dân như là một khí
cụ để phục vụ cái trừu tượng "quốc gia", "tổ
quốc" đó. Khuyết điểm kế tiếp là sự công nhận một
tiêu chuẩn "hành vi xã hội chủ nghĩa" nào đó để bắt
buộc dân chúng phải chấp hành. Đồng ý rằng tinh thần của
điều 59 trên không có gì là sai vì quyền hạn và bổn phận
phải đi đôi với nhau nhưng khi hiến chế hóa hai phạm trù
công dân đó như là một "giấy phép tự do" hay là một điều
kiện để được đóng vai trò công dân thì hiến pháp mất đi
cái nội dung mà quốc dân mong muốn, ít nhất là trên quan niệm
dân chủ Tây phương, rằng quốc gia là cơ chế để phục vụ,
là "kẻ đầy tớ" chứ không phải là "ông chủ" tối thượng
và tách biệt.

Một đề nghị cho vấn đề này là hãy để một điều khoản
hiến pháp tổng quát mang tinh thần trách nhiệm và bổn phận
công dân, ví dụ, "Quốc hội có quyền làm luật minh định
bổn phận và trách nhiệm công dân." Benjamin Barber của Đại
học Rutgers của Hoa Kỳ đề nghị, "Quyền hạn về sự sống
(life), liberty (tự do), và mưu cầu hạnh phức (pursuit of
happiness) bắt buộc mỗi công dân tham dự vào tiến trình chính
trị dân chủ để bảo đảm được những quyền này,"(172) mà
tiến trình chính trị dân chủ này bao gồm bổn phận đóng
thuế, quân dịch, bỏ phiếu.

Thế còn tình yêu nước thì sao? Hiến pháp Liên Xô 1977 có minh
định bổn phận gìn giữ tài sản quốc gia, bảo vệ quyền
lợi nhà nước, làm gia tăng quyền lực và danh dự của tổ
quốc, bổn phận quốc phòng (điều 61 và 62). Điều 62 cũng
nhấn mạnh rằng phản quốc là tội lớn nhất chống lại nhân
dân. Barber, như vừa mới được đề cập ở trên, nhấn mạnh
đến lãnh vực bổn phận và trách nhiệm công dân. Gần đây,
nạn ô nhiễm môi sinh đã gây nên ý thức trách nhiệm công dân
mới đó là bổn phận bảo vệ môi sinh, ý thức và cảnh giác
đến những mối nguy hại đến môi trường. Nhưng, tôi đồng
ý với Barber rằng đây là vấn đề thuộc phạm trù giáo huấn
và hình luật hơn là cưỡng bách trách nhiệm.

Đối với các quôc gia, nhất là dưới chế độ Cộng sản như
trường hợp Việt Nam sau 1975, Hiến pháp Cộng Hòa Xã Hội Chú
Nghĩa Việt Nam 1980, chương V, điều 54 có minh định "quyền
của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân," và "nhà
nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm
tròn nghĩa vụ của mình đối với nhà nước và xã hội." Các
nghĩa vụ bao gồm học tập, nuôi, dạy con cái, làm tròn nhiệm
vụ "lực lượng xung kích trong phong trào thi đua xây dựng chủ
nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc..." (Điều 60, 64, 66) Đặc
biệt là điều 66 khi được thi hành trong các dự án tập thể,
dù cần thiết, nhưng vì quá sức, bất công và vô lý, đã tạo
những mầm mống bất mãn lớn để đến nỗi từ năm 1983 về
sau nhà nước Việt Nam đã hủy bỏ hầu hết các chương trình
nghĩa vụ lao động. Đồng ý rằng nhu cầu lao động tái thiết
quốc gia sau chiến tranh rất cao, nhất là Việt Nam khi quốc gia
không có ngân sách phát triển, thiếu kỹ thuật, dân chúng thì
thụ động phản kháng, ù lỳ, nhưng mọi việc đều phải
đúng mức, và vừa phải. (Như trường hợp dự án đập Trấm
ở Quảng Trị từ 1977 đến 1980, dân chúng từ Hà Tĩnh đến
Quảng Nam phải đi lao động, tự túc ăn uống, làm việc trong
điều kiện bất nhân quá độ còn hơn nô lệ.)

Thực sự, vấn đề thi hành điều khoản của hiến pháp về
nghĩa vụ công dân là cái chìa khóa của những thảm trạng ở
trên. Cái muốn nhấn mạnh ở đây là nghĩa vụ, trách nhiệm,
bổn phận công dân trên căn bản hiến định nên mang tính
chất giáo dục hơn là cưỡng bách, đặt nặng vai trò ý thức,
tư duy hơn là điều kiện hóa như là cái giá phải trả để
làm công dân. Tôi là công dân của một nước có nghĩa là chủ
nhân của quốc gia. Tôi không phải trả giá nghĩa vụ để
được ban phát quyền hạn hay tự do. Đó là điểm chính.

<strong>NHỮNG NGUYÊN TẮC TU CHÍNH HIẾN PHÁP</strong>

Một định chế và thủ tục quy tắc tu chính hiến pháp phải
được minh định rõ ràng trong hiến pháp. Quyền tu chính phải
được xem như là quyền lập hiến. Mô hình tu chính của Hoa
Kỳ tôi nghĩ là thích hợp khi đòi 3/4 phiếu của hai viện
quổc hội và 38 trên 50 tiểu bang phê chuẩn hay là một hội
nghị tu chính hiến pháp. Như thế quần chúng có quyền ảnh
hưởng nhưng không bầu cử trực tiếp. Tu chính có thể được
nhưng khó khăn. Phải có một thời gian để cho một dự khoản
tu chính thông qua, nếu không thì dự khoản đó phải chết.
Một thái cực khác của mô hình tham dự từ quần chúng là
hiến pháp tiểu bang California trong đó các dự khoản tu chính
(proposition) được đề nạp bởi một túc số chử ký của cử
tri (petition) theo luật định để rồi cử tri sẽ trực tiếp
bỏ phiếu cho tu chính đó. Mô hình này đã tạo nên vấn đề
lạm dụng trầm trọng. Kỳ bầu cử 1990, ở California cử tri
phải chọn hơn 20 dự khoản tu chính khác nhau, phức tạp, mâu
thuẫn. Dĩ nhiên là mô hình California không thể chấp nhận
được ở mức độ quốc gia.

Động cơ và tiến trình tu chính hiến pháp mang bản chất chính
trị nhưng hiến pháp chính nó phải quy định những nguyên tắc
và thủ tục tu chính. Những quy định này phải được dung hòa
giữa hai mục tiêu: [1] Hiến pháp phải mang tính lâu dài, ổn
định, bền vứng để kiến tạo căn bản niềm tin, ước vọng
và tiên đoán trên cả hai phương diện chính trị và pháp
luật; nhưng [2] Hiến pháp phải đương đầu và quản trị
được đổi thay và tiến bộ. Nếu hiến pháp không thể tu
chính được vì những điều kiện quy tắc quá khó khăn, thì
chính nền tảng chính thống hiến pháp đó bị đe dọa bởi
đảo chánh, cách mạng, bạo động. Nhưng hiến pháp không thể
như là mộ bộ luật thông thường khác để có thể đổi thay
quá dễ dàng hay có thể bị xua đuổi theo làn sóng xúc động
nhất thời của chính quyền hay của quần chúng.

Đối với các quốc gia chưa được trưởng thành về chính
trị hiến pháp thì những điều khoản quy định quyền lực và
nhiệm kỳ của giới hành pháp thường bị sửa đổi liên tục
vì nhiều lý do: Thứ nhất là bản chất tham vọng quyền hành
cố hữu của các nhà lãnh đạo hành pháp. Thứ hai, vì sự khó
khăn đương đầu với những chính sách quốc gia mà thường
đòi hỏi hành pháp có quyền hành cao hơn. Thứ ba, vì nhu cầu
trật tự và ổn định, vì sự thiếu tự tin vào khả năng cai
quản của các thế lực và phân nhánh chính trị khác và sự
thiếu trưởng thành của cơ chế xã hội dân sự. Trong khi đó
thì các điều khoản quy định quyền hạn công dân thì lại
bị lạm dụng, bỏ quên vì phía dân sự và tư pháp thường
thì bất lực, thụ động hay bị khống chế bởi hành pháp.

Đối với chính trị hiến pháp, từ đó, năng động và quy
chế tu chính cũng quan trọng như lập hiến vì đây sự thể
hiện sự mưu đạt quyền lực rõ rệt và chính thống nhất
trong thể chế dân chủ.

Ngoài ra, hiến pháp còn phải quy định quyền hạn mà hành pháp
có thể sử dụng để tuyên bố và cai trị trên căn bản tình
trạng "thiết quân luật" trong các tình trạng khẩn cấp quốc
gia, cho phép hành pháp đình hoãn tạm thời các phạm trù hiến
pháp (bắt giữ, cấm hội họp, biểu tình...) để thực thi
một số biện pháp tối cần trong tình trạng nguy ngập mà
quốc gia phải đối đầu. Tuy nhiên, đây là quyền hạn dễ
bị lạm dụng để hành pháp "tung hỏa mù" nhằm vi phạm hiến
pháp, đàn áp chính trị cho tham vọng chính trị hạn hẹp. Do
đó, điều khoản này phải được phác họa kỹ lưỡng trên
nguyên tắc cân bằng và kiểm soát hỗ tương mà quốc hội
phải đóng vai trò tối quan trọng.

<strong>VẤN ĐỀ CHÍNH THỐNG VÀ BIỆN MINH QUYỀN HẠN CƯỠNG
CHẾ</strong>

Quốc gia, khi nói đến giá trị thiêng liêng của tình cảm cá
nhân, đã được gán định một ngôi vị cao cả. Như người
Việt thường nêu lên một khuôn mặt tôn giáo khi dùng những
chữ "hồn thiêng sông núi", "tổ quốc". Từ đó, quốc gia
được mang vai trò chính thống để kiến tạo những định
chế quyền hành và quyền hạn cưỡng chế đối với xã hội
và cá nhân một cách tự nhiên, không bị chất vấn. Người
dân phải có lúc phải hỏi tại sao tôi bị cưỡng bách làm
điều này hay bị đe dọa bị trừng phạt nếu tôi không làm
điều kia. Khi đặt câu hỏi là lúc cá nhân, với tư cách công
dân, mang pháp nhân là một ông chủ của cơ chế quốc gia,
nhận lại vị trí đúng của mình. Quốc gia, khi đã lột hết
những huyền thoại lịch sử, những mầu sắc thiêng liêng
huyền bí, thì chỉ là một cơ chế pháp luật, một công ty, mà
công dân là một chủ nhân cổ phần, sử dụng quốc gia như là
một khí cụ để thỏa mãn những nhu cầu hiện hữu của mình
mà thôi. Đây là ý thức căn bản và quan trọng nhất của công
dân trên việc phát triển hai phạm trù tư duy của quyền hạn
và bổn phận. Từ đó chính thống của luật pháp là sự tự
chủ, tự quản mà tập thể quốc dân nắm được cái giềng
mối của ý chí và lý trí để phục vụ chính mình. Tôn trọng
luật pháp chính là sự tự trọng chính mình cũng như nhửng
tương quan cần thiết giữa chính mình và quốic gia.

Đối với quyền hạn cưỡng chế cũng vậy. Không ai có quyền
nắm giữ, hay sở hữu, cái quyền hạn cưỡng chế cả. Nó là
sự liên hệ giữa cá nhân và tập thể. Nó là bản chất của
luật pháp mà quốc dân tự giới hạn chính mình. Luật pháp
đóng vai trò như một cơ chế lương tâm đối với đời sống
nội tại cá nhân cai quản được hành vi để thực hiện
được một hiện hữu thỏa mãn được những nhu cầu vật
chất và tinh thần. Lòng yêu "Tổ quốc" chính là tình vị kỷ -
yêu chính mình. "Tổ quốc" như là một Thượng đế đối với
tình cảm nơi chốn và tập thể mà luật pháp là những điều
luật, những "thánh lệnh" của đời sống nội tâm tự giác,
tự ý thức, tự xuất phát được thể hiện ra thành một hệ
thống định chế và văn kiện tự chế mình. Nhưng vấn đề
phải được nhìn dưới những hiện trạng thực tế: Xã hội
là một tập thể đầy tranh chấp vì cá nhân là những đơn
vị khác biệt. Thêm vào đó, tất cả, từ cá nhân đến tập
thể, đều phải đương đầu với chuyển động và đổi thay.
Bởi thế dù luật pháp có được kiến tạo và thực thi trong
một quốc gia có tiến trình chính trị dân chủ cao và tiến
bộ vẫn còn có hiện tượng vong thân pháp lý - luật pháp
không thể hiện được ý chí và nhu cầu của cá nhân. Cá nhân
vẫn chấp hành luật pháp ở khắp mọi nơi hoàn toàn không vì
tự trọng hay kính nể luật pháp mà vì sợ sự trừng phạt
của luật pháp. Nhưng chính sự sợ trừng phạt cũng là một
phần của tinh thần chấp nhận giá trị cưỡng chế của luật
pháp quốc gia. Cá nhân chính trực và vừa phải ở một quốc
gia và thời điểm nào đó đều công nhận rằng dù mình không
chấp nhận được một điều luật hay một bộ luật; tuy
nhiên, không có cá nhân nào đều có thể không đồng ý với
hoàn toàn tất cả các luật lệ của xứ sở họ. Vấn đề
chỉ là mức độ. Nếu một công dân công nhận và chấp nhận
vai trò luật pháp và phần lớn những điều lệ và tinh thần
của nó thì nền tảng biện minh cưỡng chế đã được thiết
kế.

Từ một góc độ khác, biện minh quyền hạn của luật pháp
không phải chỉ thể hiện từ chính trị dân chủ. Chúng ta
đều biết rằng dân chủ chỉ là một định hướng lý tưởng
chính trị để đạt đến chứ không phải là một thực tế
đã được định vị. Ngay cả ở những quốc gia Tây Âu tiền
tiến, quyền lực vẫn là một mục tiêu chính trị mà trong đó
không có một thực thể đa Số quốc dân nào nắm được cả.
Vấn đề giai cấp, chủng tộc, quyền lợi kinh tế, địa
phương, trình độ vẫn là những yếu tố quan trọng hơn là
tổng số cử tri và tiến trình bầu cử. Câu hỏi, do đó,
phải được nêu lên: Nếu trong một quốc gia thiếu dân chủ,
ví dụ bị cai trị bởi một chính quyền độc đoán
(authoritarian regime), luật pháp là sự thể hiện ý chí của vị
lãnh tụ và khối hành pháp của ông, thì biện minh quyền hạn
của luật pháp sẽ được nhìn như thế nào?

Dầu sao dân chủ vẫn còn là một thực tế chính trị mới
mẻ, chưa được thể hiện tốt đẹp và chỉ có một thiểu
số quốc gia theo nó mà thôi. Từ đó, câu trả lời đầu tiên
là, chính thể dân chủ có thể có khả năng cung cấp giá trị
biện minh của luật pháp cao và hiệu năng; nhưng không vì thế
mà kết luận rằng chỉ có chính trị dân chủ mới có được
biện minh cưỡng chế cho luật pháp. Chính trị cả ngàn năm nay
ở Á Đông vẫn mang đủ biện minh quyền lực cưỡng chế mà
không cần dân chủ. Nếu tập thể quốc dân chấp nhận chính
thống của chính quyền, vị lãnh đạo ("thiên tử"), thì
sự chấp nhận ấy là sự đồng thuận. Mặc dầu sự đồng
thuận này không tích cực nhưng đối với quốc dân Á Đông
trong các triều đại quân chủ, sự thụ động chấp nhận vẫn
thường đi đôi với sự thiếu vắng của năng động ước
vọng chính trị. Ngay cả các phong trào cách mạng lớn như
"Phản Thanh Phục Minh" ở Trung Hoa ở cuối thế kỷ XIX, như
"Cần Vương" ở Việt Nam đầu bán thế kỷ XX đều không nhằm
đáp ứng ước vọng nào ngoài thiết lập lại cái nền tảng
biện minh quyền lực của một cơ chế chính trị độc tài
chuyên chế chứ họ không vì một lý tưởng dân chủ. Cho nên,
nếu một cơ chế chính trị dù thiếu dân chủ, dù độc tài
nhưng nếu thỏa mãn được những nhu cầu hiện hữu của quốc
dân về vật chất củng như về tinh thần trong bối cảnh
thiếu vắng một năng động vước vọng đi đôi với trật tự
chính trị đó thì giá trị biện minh lãnh đạo và quyền lực
của cơ chế đó đã được chấp nhận. Trường hợp ở
Singapore, Đài Loan và Nam Hàn trong khoảng từ 1960-1990 đã cho
thấy thực tế này. Nhưng các quốc gia trên sẽ không thể kéo
dài chính trị thiếu dân chủ được khi mà cao trào và năng
động ước vọng dân chủ đang dần dần lên cao từ phía các
quốc dân trên. Trường hợp chuyển mình ở Nam Việt Nam vào
những năm đầu của thập niên 1960-1970 và ở Nam Hàn vào thập
niên 1980-1990 đã cho thây điêều đó.

Vấn đề lãnh đạo, nhất là trên viễn kiến chính trị và
luật pháp là hòa giải được thực tế cần thiết của nhu
cầu quốc gia đối với năng động ước vọng của quần chúng
về ý thức dân chủ. Không ai có thể ngăn cản được cao trào
dân chủ ở thời đại này. Cái khó là chủ động được năng
lực quốc dân theo trình độ ý thức cũng như mức độ đời
sống kinh tế. Đây là một tiến trình chuyển hoá từ ưu tiên
xã hội này đến ưu tiên xã hội khác. John Rawls, củng trong
cuốn <i>A Theory of Justice (Một Lý Thuyết Vê Công Lý)</i>, cho
rằng trong hoàn cảnh kinh tế và đời sống vật chất khó
khăn, ưu tiên kinh tế đi trước ưu tiên tinh thần. Ông nói,
nếu khi điều kiện đời sống vật chất đã được phát
triển khả quan, đòi hỏi về tự do và chính trị sẽ đi lên
và vượt qua ưu tiên vật chất.(173) Đây có lẽ là một điều
kiện không mới lạ gì mà Đài Loan, Singapore và Nam Hàn đã áp
dụng, ở các quốc gia này, luật pháp vẫn được tôn trọng
và đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế
quốc gia. Sự thành công về kinh tế trong việc nâng cao đời
sống vật chất của công dân đã tạo nền tảng biện minh
quyền hành và cưỡng bách cho cơ chế luật pháp ở các quốc
gia trên mặc dù cơ chế chính trị làm luật không thể hiện
được tính dân chủ hiện đại.

Tính chính thống của luật pháp ở các quốc gia quân chủ và
độc tài đặt căn bản trên sự chấp nhận của quốc dân
đối với vai trò và vị thế của vương quyền và lãnh đạo.
Ở đó, ý chí quốc dân là ý chí của vị lãnh đạo. Vị lãnh
đạo đại diện và thể hiện ý chí tập thể xã hội qua
chính mình. Đây là điều mà Hegel ngụ ý rằng ở Á Đông,
chỉ có một người là được tự do; còn ở Tây phương mọi
công dân đều được tự do. Ở Á Đông, chỉ có vị vua là có
tự do ý lực và kiến tạo luật pháp, thiết lập định chế
hỗ tương cho chính quyền và xã hội theo ý mính.(174) Ở Tây
phương trong các quốc gia dân chủ, mọi công dân đều có khả
năng và có quyền ảnh hưởng đến việc trên. Á Đông, dưới
chế độ quân chủ chuyên quyền, nắm đầu dây đầu tiên của
sự chuyển mình của ý thức dân quyền, vẫn theo Hegel, còn Tây
phương và chính trị dân chủ là đầu dây kia, đại diện cho
sự trưởng thành của ý thức đó trong dòng chuyển động của
lịch sử để tinh thần tạo hóa (Geist) (Đạo) hiện thực
được ý lực tự do.(175)

Đầu mối của chính thống không phải là hình thức cơ chế
nhưng là trình độ ý thức của dân chúng. Trật tự của xã
hội Á Đông mang bản chất gia đình. Trong suốt gần thế kỷ
qua, dân chúng bắt đầu lớn dậy, ý thức được quyền hạn
của mình qua sự ảnh hưởng của làn sóng văn hóa chính trị
Tây phương. Dân chúng Á Đông bắt đầu chất vấn cái trật
tự sẵn có và bắt đầu hành xử sự độc lập cá nhân để
tìm lối thoát cho chính mình. Đời sống chính trị quốc gia
từ đó bắt đầu xáo động. Chính quyền thì chưa chấp nhận
cũng như không tương kính "con cái" nhân dân vừa "mới lớn,
chưa trưởng thành", "hỗn hào". Dân chúng thì muốn được
quyền thật nhanh. Xung đột và mâu thuẫn nãy sinh. Đây là
nguồn gốc của những thảm họa chung cho Á Đông khi mà chính
trị dân chủ đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu và toàn
diện, phi không gian và vượt qua bản sắc văn hóa cũng như
biên giới dân tộc.

Khi công dân bắt đầu đặt câu hỏi về chính thống tính của
lãnh đạo là lúc khởi đầu cái ý thức tự giác đối với
bổn phận luật pháp. Bởi vì nếu vương quyền quân chủ đã
mất đi chiếc áo "thiên tử' thì ai sẽ nhận lấy cái vị thế
chủ quyền? Nếu quốc dân chưa có khả năng để tự làm chủ
chính mình thì chính trị chưa thể ổn định nếu cơ chế dân
chủ bị gán đặt quá vội vàng, quá tiến bộ. Giai đoạn
chuyển mình đòi hỏi một bản chất chính trị chuyển tiếp.
Trách nhiệm của lãnh đạo trong giai đoạn này là khó khăn
nhất. Nó bao gồm cái khả năng duy trì thế chính thống của
chính trị nửa dân chủ, nửa độc tài đồng thời cân bằng
được những khối năng động xã hội vừa ý thức được tham
vọng của mình và bất mãn với hiện trạng. Luật pháp, từ
đó, đóng vai trò tối quan trọng không những ở phạm trù
cưỡng chế; nhưng quan trọng nhất là chức năng giáo hóa quần
chúng. Luật pháp phải duy trì được một khoảng trống vừa
phải để tiến trình chuyển hóa có thể đi nhanh và hoàn tất
sớm. Plato của Hi Lạp mấy ngàn năm trước đã nhấn mạnh
đến vai trò của luật pháp, "Tốt nhất là mọi cá nhân đều
được quản trị bởi ý thức nội tại của chính mình. Nhựng
nếu điều đó chưa đạt được thì, một tiêu chuẩn ngoại
tại phải được thiết lập và cưỡng bách để hướng dẫn
họ hòng tạo được sự đồng nhất và quân bằng cho xã
hội."(176) Đây chính là chủ đích của luật pháp nhằm hỗ
trợ cá nhân cũng như chính quyền nhằm bồi đắp những công
dân như nuôi nấng con cái mà con cái không được tự do cho
đến khi tự mỗi người là một công dân có khả năng cai trị
bằng ý thức." Abrabam Lincoln của Hoa Kỳ ở thế kỷ trước
cũng nhấn mạnh đến cái tiến trình "nội dung hoá" những
giá trị mà hiến pháp đã đặt ra. Tiến trình này là mục
tiêu quan trọng và cao cả nhất cho chính trị lãnh đạo.(177)

Cách mấy thế kỷ trước Tây lịch, ở Trung Hoa, Khổng Tử đã
nhấn mạnh đến niềm tin vào chính thống tính của lãnh đạo.
Khổng Tử đặt bốn vai trò quan trọng nhất cho nhà nước: (1)
an ninh, (2) phát triển, (3) an sinh và (4) ổn định quốc dân.
Khổng Tử đặt tầm quan trọng cao nhất ở vấn đế ổn
định quốc dân khi một đệ tử hỏi, "Dân phải có đủ
để ăn; quốc gia phải có quân đội đủ mạnh; và chính trị
phải nuôi được niềm tin ở quốc dân." Được hỏi tiếp
nếu phải bỏ đi một thứ trên, Khổng Tử sẩn sàng bỏ quân
đội. Còn hai thứ - thực phẩm và niềm tin - Khổng Tử nói,
"Ta nghĩ rằng dân có thể thiếu ăn vì lúc nào cũng có đói
kém, khó khăn; nhưng quốc gia không thể tồn tại nếu dân
chúng mất niềm tin vào lãnh đạo"(178) Cái niềm tin mà Khổng
Tử nói đến là tính chính thống của chính quyền và biện
minh cưỡng chế của luật pháp. Luật pháp là kết quả của
những mâu thuẫn và xung đột trường cửu giữa cá nhân và
chính quyền. Nó là guồng máy tự quản, tự chế cho tập thể
công dân đứng trước những năng động ước vọng về kinh
tế và tinh thần. Luật pháp còn tượng trưng cho nỗ lực tự
hướng dẫn của lương tâm và lý trí quốc dân. Nó là hoa quả
của văn hóa, của lịch sử; đồng thời, nó là hạt giống
quyết định bản sắc của thế hệ kế tiếp.

(Trích <i>Dân Chủ Pháp Trị: Luật Pháp, Công Lý, Tự Do và
Trật Tự Xã Hội</i>)

<strong>Chú thích:</strong>

1 Hay "Chúng ta muốn gì trên cản bản là một quốc dân?"


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130301/nguyen-huu-liem-nhung-nguyen-tac-hien-phap-2),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét